Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp đại đoàn kết
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam; người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay. Người là kiến trúc sư vĩ đại và linh hồn của khối đại đoàn kết dân tộc, mở ra cho nhân dân ta một thời đại mới: Thời đại độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho nhân dân ta những di sản vô giá. Một trong những di sản đó là tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam, trong đó nổi bật là tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng. Cách mạng muốn thành công phải có lực lượng đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù và xây dựng xã hội mới. Việc xây dựng lực lượng trong nước có vai trò quyết định “để tự ta giải phóng cho ta”. Theo Người, muốn có lực lượng thì phải đoàn kết vì “đoàn kết là lực lượng vô địch”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ và lâu dài toàn dân tộc, thành một khối thống nhất. Đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù.
Người viết: “Nhờ đại đoàn kết toàn dân tộc mà trong bao thế kỷ nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập, tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân ta đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm Cách mạng tháng Tám thành công và đã kháng chiến thắng lợi. Nhờ đại đoàn kết toàn dân mà nước Việt nam chúng ta nhất định sẽ thống nhất”.
Người thường xuyên căn dặn những người cách mạng Việt Nam: Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, có thể và cần thiết phải điều chỉnh chính sách và phương pháp tập hợp, với những đối tượng khác nhau, nhưng đại đoàn kết dân tộc phải luôn luôn được nhận thức là vấn đề sống còn của cách mạng.
Đại đoàn kết dân tộc theo Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, mà còn là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của dân tộc. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp nhuần nhuyễn luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Với tư tưởng truyền thống của tổ tiên “Nước lấy dân làm gốc”, mà Dân theo tư tưởng của Người bao gồm “mọi con dân nước Việt” mọi “Con Lạc, cháu Hồng” không phân biệt dân tộc thiểu số hay đa số, người có tín ngưỡng với người không tín ngưỡng, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai.
Hồ Chủ tịch căn dặn chúng ta: Muốn thực hiện được đại đoàn kết toàn dân tộc phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của tổ tiên, phải có lòng khoan dung, đại độ với con người. Người viết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết, chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, thế khác nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng: đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”. Như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 5 năm 1983): “Hồ Chủ tịch và Đảng ta luôn luôn thấy ở mỗi người Việt Nam một người yêu nước và Mặt trận là sự tập hợp và nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước đó”.
Bước vào thời kỳ đổi mới, trước mắt chúng ta là một thời kỳ mới với những triển vọng đầy hứa hẹn, song cũng có nhiều thách thức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi mọi người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài đồng tâm nhất trí coi lợi ích của Tổ quốc và nhân dân là cao nhất, thiêng liêng nhất; coi vận mệnh và tiền đồ của đất nước là trên hết và gắn liền với mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Hơn bao giờ hết, ý chí tự lực, tự cường của toàn dân là động lực to lớn, là yếu tố quyết định để vượt qua thử thách, tận dụng thời cơ, đưa đất nước không ngừng phát triển.
Hướng về tương lai, đoàn kết phấn đấu vì “một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước. Đây cũng là nguyện vọng ngàn đời của dân tộc ta.
Qua 30 năm thực hiện Chương trình đại đoàn kết dân tộc - một chương trình cụ thể hóa đường lối đổi mới đầy sáng tạo, đúng quy luật, hợp lòng dân do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, phát huy truyền thống đoàn kết yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, nhân dân ta đã vượt qua biết bao khó khăn, thách thức, đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và bước vào hàng ngũ những nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình; đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; vì thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao; sức mạnh tổng hợp của đất nước được tăng lên gấp nhiều lần, tạo tiền đề cho nhân dân ta tiếp tục phấn đấu xây dựng nền tảng để sớm đưa đất nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Những thành tựu đó là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó Đổi mới đã luôn luôn quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc” vì lợi ích của nhân dân, dựa vào dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nguyễn Túc
Ủy viên Đoàn Chủ tịch
UBTƯ MTTQ Việt Nam
Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết
Thứ Hai, 16:01 11/05/2020
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.